Cả nhân viên ngân hàng và khách hàng có nhu cầu vay tái tài trợ sẽ được hưởng lợi khi thông tư sửa đổi được áp dụng.
“Làm hồ sơ vay Doanh nghiệp, sợ nhất thẩm định những khoản vay tái tài trợ”, chị X. – một nhân viên tín dụng đã có thời gian làm phân tích doanh nghiệp tại một Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) lớn chia sẻ.
Hơn 5 năm trước, ngày 30/12/2016, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Theo đó, Khoản 6, điều 8 quy định những nhu cầu vốn không được cho vay bao gồm cho vay để trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh;
b) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;
c) Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Lấy một ví dụ, doanh nghiệp A đang vay vốn tại ngân hàng B. Ngày đẹp trời, doanh nghiệp A muốn chuyển sang vay ngân hàng C nhưng không muốn bị gián đoạn dòng tiền (phải thu xếp tài chính trả nợ trước hạn và rút sổ).
Lúc này, ngân hàng C cần tiến hành một khoản vay tái tài trợ (cho khách hàng vay trả nợ trước hạn khoản vay tại TCTD khác) và chiếu theo những quy định của Thông tư 39, Ngân hàng C cần đảm bảo:
Thứ nhất, khoản vay này phục vụ hoạt động kinh doanh.
Thứ hai, thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ. Khi này, ngân hàng C sẽ phải xác định ngày đến hạn của tất cả khoản vay thông qua khế ước nhận nợ (giấy nhận nợ)
Thứ ba, khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Nghĩa là ngân hàng C sẽ phải xác định toàn bộ quá trình giải ngân – trả nợ của khoản vay thông qua các chứng từ như sao kê tài khoản, giấy nhận nợ, giấy nộp tiền,… để đảm bảo khoản vay chưa được thực hiện cơ cấu trả nợ. Hoặc yêu cầu khách hàng cung cấp xác nhận của ngân hàng B về việc khoản vay chưa được cơ cấu, nhưng điều không khả thi vì các Ngân hàng thường có xu hướng giữ khách và sẽ không hỗ trợ để khách hàng đi vay nhà băng khác.
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ là việc tổ chức tín dụng điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ vay đối với các khoản nợ vay của khách hàng.
Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc tổ chức tín dụng chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay của kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận (bao gồm cả trường hợp không thay đổi về số kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận), phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng nhưng thời hạn cho vay không thay đổi.
Gia hạn nợ là việc tổ chức tín dụng chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay, vượt quá thời hạn cho vay đã thỏa thuận, với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.
Chị X. kể về kinh nghiệm khi thẩm định những khoản vay tái tài trợ. Khối lượng công việc để xác minh một khoản vay “chưa bị cơ cấu” rất tốn thời gian và công sức.
Kỷ lục có lần, chị đã phải tra soát một chồng chứng từ dày đến hơn 1.000 trang, trong suốt 6 tiếng đồng hồ. “Tra soát đến mờ mắt, nhưng không làm không được vì giá trị khoản vay lớn, khách hàng giải ngân thành nhiều món nhỏ. Nếu không làm kỹ tôi cũng không dám ký vào tờ trình“, chị thú nhận.
Các quy định mới trong Thông tư sửa đổi lần này sẽ tháo gỡ các khó khăn và vướng mắc cho những ngân hàng và nhân sự chuyên trách như chị X. Cụ thể, quy định này đã được sửa đổi như sau:
Điểm “c) Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ” sửa thành: “b) Tại thời điểm xem xét cho vay, khoản vay được phân loại nợ thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2 theo kết quả gần nhất về phân loại nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam cung cấp”.
Điều này có nghĩa trong trường hợp được áp dụng, ngân hàng và nhân viên tín dụng thực hiện khoản vay tái tài trợ không còn phải thu thập rất nhiều chứng từ nhằm đối chiếu để xác định khoản vay đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ hay chưa, mà chỉ cần dựa vào thông tin CIC (Bản trả lời tin tín dụng do TT Thông tin Tín dụng Việt Nam cung cấp).
Ngoài ra, trong quy định Thông tư sửa đổi BỎ hẳn điểm a) Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh.
Nghĩa là các khoản vay phi sản xuất kinh doanh như mua nhà, xây dựng, cải tạo nhà ở,… cũng có thể được tái tài trợ.
Đây cũng là một điều đáng mừng với những cá nhân đang có các khoản vay trung dài hạn mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất… với thời gian vay lên đến 10 – 20 năm.
Anh N, một khách hàng vay mua nhà cho biết: “Tôi vay kỳ hạn 15 năm. Lúc mới nhận nợ, lãi suất khoản vay của tôi có chưa đầy 9%/năm. Giờ lên đến 12%/năm. Với đồng lương công chức cố định, tôi khó có khả năng xoay tiền trả hết cho ngân hàng để rút sổ đỏ ra đi vay chỗ khác.”
Nỗi băn khoăn của anh N cũng là nỗi băn khoăn của nhiều khách hàng đang “cõng trên lưng” gánh nặng của khoản vay với lãi suất không còn được ưu đãi, thường cao hơn so với kỳ đầu 2% – 3%.
Anh T, một khách hàng khác thì quả quyết, nếu có tiền anh cũng không muốn mạo hiểm vì “nhỡ đâu rút được sổ ở ngân hàng này ra, nhưng ngân hàng kia lại không cho vay”.
Nếu Thông tư mới được áp dụng những khách hàng như anh N có thể tìm một đơn vị ngân hàng khác lãi suất cạnh tranh hơn để thực hiện chuyển đổi khoản vay, mà không cần phải lo lắng đến việc xoay tiền trả nợ, rút sổ đỏ, làm thủ tục vay,…
Theo Nhịp sống kinh tế