Warning: mysqli_real_connect(): Headers and client library minor version mismatch. Headers:100508 Library:30122 in /home/nhpga8l3/public_html/wp-includes/wp-db.php on line 1653
Quốc hội quyết đầu tư công cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng gần 45.000 tỷ đồng | PHÚC GIA AN GROUP

Quốc hội quyết đầu tư công cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng gần 45.000 tỷ đồng

Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 theo hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Dự án sẽ tạo dư địa, động lực không gian phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 16/6, sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 được biểu quyết thông qua với 95,98% đại biểu Quốc hội tán thành.

Trên cơ sở 320 ý kiến nhất trí, 50 ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1.

Về tính cấp thiết của dự án, hiện nay, lưu thông từ Châu Đốc đến Sóc Trăng qua Quốc lộ 91 thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, vì vậy, việc mở rộng Quốc lộ 91 là không hiệu quả.

Đồng thời, việc thực hiện đầu tư dự án sẽ hình thành nên tuyến trục ngang trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, giải quyết được các điểm tắc nghẽn về hạ tầng giao thông, kết nối các trục dọc (đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Quốc lộ 1, đường ven biển), thúc đẩy phát triển đầu tư cảng biển Trần Đề, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Về hình thức đầu tư của dự án, theo tính toán, nếu đầu tư theo phương thức PPP là khó khả thi.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay việc thu xếp, tiếp cận nguồn tín dụng của các nhà đầu tư còn khó khăn, đồng thời thực tế triển khai một số dự án BOT thời gian qua cho thấy tiến độ chưa đạt yêu cầu đề ra như dự án Diễn Châu – Bãi Vọt và khó xác định được thời gian hoàn thành. Trong khi đó, dự án có tính chất quan trọng, cấp bách, vì vậy đề xuất của Chính phủ là có cơ sở.

Về quy mô đầu tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc đầu tư quy mô 2 làn xe không đáp ứng được tiêu chuẩn đường cao tốc, sẽ phải sớm đầu tư mở rộng nên không hiệu quả về đầu tư.

Vì vậy, dự án đề xuất phân kỳ đầu tư quy mô mặt cắt ngang tối thiểu 4 làn xe là phù hợp với nhu cầu vận tải và khả năng cân đối vốn.

Tuy nhiên, việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ được thực hiện theo quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh để thuận lợi cho việc mở rộng về sau và bảo đảm tầm nhìn dài hạn. Dự kiến các điểm dừng xe khẩn cấp sẽ được bố trí hợp lý, kết hợp với việc vận hành thông minh để kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống cấp bách.

Về việc tổng kết kinh nghiệm giai đoạn trước, thống nhất áp dụng mức giá đền bù, giải phóng mặt bằng tại vùng giáp ranh giữa hai địa phương, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan trong bước triển khai dự án cần nghiên cứu rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai các dự án, đặc biệt dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, từ đó có giải pháp phù hợp.

Đối với phần giáp ranh giữa hai địa phương, cần lập phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để có chính sách hợp lý bảo đảm công khai, minh bạch tránh ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân xung quanh phạm vi dự án.

Về đánh giá tác động của dự án, bên cạnh những tác động tích cực khi dự án đưa vào khai thác thì tác động tiêu cực sẽ làm giảm doanh thu của dự án BOT Quốc lộ 91.

Tuy nhiên, tác động là không lớn do đường cao tốc thu phí cao hơn so với quốc lộ, các phương tiện di chuyển chặng ngắn sẽ vẫn sử dụng quốc lộ. Việc định lượng mức độ ảnh hưởng đến dự án BOT chỉ có thể xác định khi đường cao tốc đưa vào khai thác.

Đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 dài 188,2 km có tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, chia thành 4 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Dự án được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027.

Do vậy, trong bước triển khai tiếp theo, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, bảo đảm tuân thủ các điều kiện hợp đồng, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Quốc hội biểu quyết thông Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1.

Kết quả biểu quyết cho thấy, có 478/479 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,98% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1.

Theo Nghị quyết, việc triển khai, thực hiện dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt như: Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án hoàn trả vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, được thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Theo Nhịp sống kinh tế

02485899999