“Khó nhất hiện nay là Luật Đất đai quy định Bảng giá đất ổn định 5 năm, trong khi thực tế giá thị trường bất động sản lại biến động liên tục. Vì vậy, giá đất do UBND cấp tỉnh quy định không sát với giá của thị trường”, Bộ Tài chính nêu.
Bảng giá bất động sản của các tỉnh không sát thị trường
Trong văn bản một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV của ngành Tài chính, Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc đưa ra loạt thực trạng liên quan đến các giao dịch bất động sản “hai giá”, “trốn thuế” diễn ra trong thời gian gần đây.
Cụ thể, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế rà soát việc kê khai giá tính thuế giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản, làm rõ việc giá hợp đồng mua bán (căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân, VAT) thường thấp hơn giá thỏa thuận, giá giao dịch trực tiếp giữa người mua, bán; điều này gây thất thoát cho ngân sách và kẽ hở trốn thuế và tội phạm trốn thuế.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đề xuất các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đưa quy định thanh toán chuyển nhượng bất động sản phải qua ngân hàng. Đây được xem là tiêu chí bắt buộc để kiểm soát dòng tiền của các giao dịch liên quan đến nhà đất. Tuy nhiên, hiện có nhiều luồng ý kiến xung quanh vấn đề này.
Báo cáo với Quốc hội, Bộ Tài chính nêu, công tác thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản còn gặp một số khó khăn.
Đơn cử, các chính sách liên quan đến đất đai đã được quy định, các văn bản này được quy định bởi nhiều cơ quan, ban ngành quản lý nhà nước, các quy định này chưa đồng bộ nên việc xác định giá thị trường của bất động sản vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Bộ Tài chính cho biết: “Khó nhất hiện nay là Luật Đất đai quy định Bảng giá đất ổn định 5 năm, trong khi thực tế giá thị trường bất động sản lại biến động liên tục, vì vậy dẫn đến việc giá đất do UBND cấp tỉnh quy định không sát với giá của thị trường”.
Bên cạnh đó: “Công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan cũng gặp không ít khó khăn. Văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định cơ chế kiểm soát dòng tiền đối với các giao dịch chuyển nhượng bất động sản”.
Kiến nghị chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng
Đây cũng là cơ sở để cho Bộ Tài chính có đề xuất đưa quy định thanh toán chuyển nhượng bất động sản phải qua giao dịch của ngân hàng.
Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với Chính phủ tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung đảm bảo thống nhất, đồng bộ; Bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS tại Điều 16 Luật kinh doanh BĐS số 66/2014/QH13 ngày 25/11/2014.
Về trách nhiệm người nộp thuế, theo Bộ Tài chính: Ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của người dân chưa cao. “Nhận thức chưa đầy đủ về chính sách pháp luật thuế và pháp luật có liên quan, chưa nhận thức được hậu quả khi khai thuế với giá không đúng với giá thực tế chuyển nhượng”, Bộ Tài chính nêu.
Liên đới đến trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc kiểm soát giá chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính nêu rõ: “Văn phòng đăng ký đất đai chuyển hồ sơ đến cơ quan thuế thường sát ngày hẹn trả kết quả hoặc chậm dẫn đến áp lực về thời gian trả kết quả xác định nghĩa vụ tài chính về đất, gây chậm trễ về thủ tục hành chính”.
Theo Bộ Tài chính, sau rà soát chặt chẽ về số thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, số thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản năm 2021 đạt 21.000 tỷ đồng, tăng hơn 4.900 tỷ đồng (tương ứng tăng 30%) so với năm 2020.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, kết quả thu từ thuế thu nhập cá nhân của hoạt động chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính ước đạt được 16.000 tỷ đồng; tăng 68,6% so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng tăng 6.600 tỷ đồng.
Theo Dân Việt