Một thành phố trẻ trung, năng động; một đô thị hiện đại, có sức hút lớn như TP.HCM, cùng với việc xây dựng các dự án hạ tầng làm đẹp bộ mặt đô thị như metro, hầm vượt sông, nhiều tòa nhà chọc trời, thì không gian ngầm là một giải pháp không thể thiếu, trong bài toán quy hoạch xây dựng đô thị của thành phố…
Quảng trường công viên Quách Thị Trang phía trước chợ Bến Thành, là nơi sẽ có trung tam thương mại ngầm thuộc nhà ga metro ngầm Bến Thành.
Ngày 28/12/2021, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã ban hành Quyết định số 56 về Quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM. Quyết định có hiệu lực thi hành vào ngày 7/1/2022, gồm bản Quy chế và 19 phụ lục đính kèm.
KHU VỰC VEN SÔNG SÀI GÒN
Trong 19 phụ lục, Phụ lục số 12 “Các khu vực có ý nghĩa quan trọng về cảnh quan, khu vực có yêu cầu quản lý kiến trúc đặc trưng” gồm 17 khu vực trong toàn địa bàn TP.HCM. Các khu vực có yêu cầu quản lý kiến trúc đặc biệt trong số 17 khu vực, gồm: Khu vực dọc sông Sài Gòn, Khu trung tâm hiện hữu 930 ha và Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong khu vực dọc sông Sài Gòn, TP.HCM sẽ mở không gian đô thị về phía sông Sài Gòn, dành mặt đất đường Tôn Đức Thắng đoạn dọc công viên bến Bạch Đằng (Quận 1) cho không gian đi bộ và xe điện, chuyển đường Tôn Đức Thắng xuống đi ngầm. Việc ngầm hóa giao thông đường Tôn Đức Thắng và khu vực xung quanh công viên bến Bạch Đằng sẽ giúp mở rộng không gian đô thị về phía sông Sài Gòn và xa hơn nữa, kết nối với khu đô thị Thủ Thiêm, bên kia sông Sài Gòn.
Theo chuyên gia về kiến trúc TS. Võ Kim Cương, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, việc ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng là giải pháp rất cần thiết đối với thành phố, giúp giao thông tuyến Bắc – Nam đi qua trung tâm thành phố được xuyên suốt. Hơn nữa, giảm lưu thông trên bề mặt, giúp người đi bộ dễ dàng tiếp cận bờ sông Sài Gòn, bảo đảm an toàn so với việc băng cắt qua đường rất khó khăn như hiện nay.
Khu vực công trường Mê Linh (nơi đường Tôn Đức Thắng đi qua), theo kế hoạch cũng sẽ có tầng ngầm; trong đó xây dựng một “vườn trũng” ngầm ở giữa công trường, sẽ có cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng ở tầng ngầm này. “Vườn trũng” này sẽ kết nối trực tiếp với bãi đậu xe ngầm ở dưới đường Tôn Đức Thắng, đồng thời bảo đảm kết nối với các tòa nhà xung quanh trong tương lai. Phía bên trên, công trường Mê Linh sẽ tạo không gian thoải mái và mát mẻ cho du khách. Giữa công trường Mê Linh và sông Sài Gòn sẽ có ba trạm xe buýt, trạm LTR (đường sắt nhẹ, trạm có thể được xây dưới lòng đất) và trạm “thủy taxi”; bảo đảm kết nối giao thông cho người đi bộ giữa các trạm này với “vườn trũng”.
Ngoài khu vực ven sông Sài Gòn, theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn (con trai của KTS. Ngô Viết Thụ, tác giả của công trình kiến trúc Dinh Độc Lập nổi tiếng), có thể ngầm hóa toàn bộ đường đi bộ Nguyễn Huệ ngay trung tâm thành phố nhìn ra sông Sài Gòn. Theo KTS. Nam Sơn, thành phố cần làm đường ngầm bên dưới toàn bộ đường đi bộ Nguyễn Huệ để có không gian làm dịch vụ thương mại, bãi để xe. Ông cũng cho rằng, có thể làm đường ngầm nối qua Thủ Thiêm và sử dụng xe điện.
KHU TRUNG TÂM HIỆN HỮU 930 HA
Khu trung tâm 930 ha (gồm một phần các quận 1, 3, 4, Bình Thạnh) sẽ phát triển không gian ngầm ở đường Nguyễn Huệ với nhiều tầng. Tầng hầm thứ nhất tạo hành lang cho người đi bộ kết nối các khu vực lân cận như Nhà hát thành phố, khu công viên dọc sông Sài Gòn.
Tại các điểm nút giao của khu vực này sẽ có các quảng trường và ki ốt diện tích tối đa 60 m2, các cầu thang để người dân đến trung tâm thương mại ngầm. Hành lang dành cho người đi bộ được bố trí đài phun nước, công viên mini, phục vụ nhu cầu khách giải trí, thư giãn. Tầng thứ hai và ba sẽ làm bãi giữ xe. Từ năm 2012, Ủy ban Nhân dân TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị khu trung tâm hiện hữu, diện tích 930 ha đã bàn tới quy hoạch không gian ngầm và chủ yếu ở quận 1. Năm 2020, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM có đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn công tác lập quy hoạch không gian ngầm đô thị TP.HCM. Vì quy hoạch không gian ngầm là nội dung mới, nên trong hai đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt chỉ nghiên cứu sơ bộ, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chức năng, mối liên kết, giá trị khai thác sử dụng… để kêu gọi đầu tư theo định hướng giao thông công cộng.
TP.HCM hiện đang chuẩn bị đưa vào sử dụng tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, cũng như chuẩn bị đầu tư các tuyến còn lại, trong đó có tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương. Sự hình thành hệ thống metro và các công trình ngầm đã buộc thành phố đặt ra yêu cầu quản lý, khai thác hiệu quả không gian ngầm.
Thành phố từng có một khu chợ ngầm dưới lòng đất từ nhiều năm nay. Sense Market được xem là chợ dưới lòng đất đầu tiên ở ngay trung tâm quận 1. Khu vực này trước đây là hầm giữ xe cũ của sân khấu Sen Hồng nằm ở khu B công viên 23/9, sau xuống cấp và được cải tạo, nâng cấp. Sau khi đưa vào khai thác trở lại, Sense Market đã “lột xác” thành chợ dưới lòng đất khang trang, có kiến trúc độc đáo và hiện đại phục vụ ẩm thực, mua sắm cho người dân và du khách. Gần 100 cửa hàng, quầy hàng bán các món ăn của Việt Nam, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ…
TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI NGẦM SẦM UẤT ĐẦU TIÊN
Trung tâm thương mại ngầm đầu tiên ở TP.HCM, đến nay có thể khẳng định là ga trung tâm thương mại ngầm Bến Thành, thuộc dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Ga Bến Thành – Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành, có quy mô khoảng 45.000 m2, có tổng số vốn đầu tư hơn 8.400 tỷ đồng. Trong đó, khu thương mại rộng 18.100 m2, khu vực hành lang và quảng trường ngầm 21.500 m2.
Theo Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), nhà ga trung tâm Bến Thành là một trong ba ga ngầm của tuyến metro số 1 cùng với ga Nhà hát Thành phố và ga Ba Son. Ngoài phục vụ hành khách tuyến metro số 1, ga ngầm Bến Thành còn là điểm trung chuyển, kết nối các tuyến metro khác như tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương, tuyến metro số 3A Bến Thành – Tân Kiên và tuyến metro số 4 Thạnh Xuân – KĐT Hiệp Phước. Chính vì vậy, ga ngầm Bến Thành còn được gọi là nhà ga trung tâm Bến Thành, nằm tại khu vực trung tâm thành phố, phía bên dưới đường Lê Lợi và công viên Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành, có vị trí quan trọng, kết nối chợ Bến Thành. MAUR cho biết nhà ga trung tâm Bến Thành được thiết kế phù hợp với cảnh quan kiến trúc xung quanh và được kỳ vọng là một trong những biểu tượng mới của TP.HCM trong tương lai.
Ga trung tâm Bến Thành được thiết kế ngầm dài 236 m, rộng 60 m, độ sâu khoảng 30 m. Hiện nay nhà ga ngầm này đã hoàn thiện 100% việc đổ bê tông sàn tầng B3F và B4F, thực hiện 91% việc đổ bê tông sàn tầng B2 và 93% việc đổ bê tông sàn tầng B1. Tổng diện tích sàn nhà ga Bến Thành đến nay đã thực hiện đạt 94,9%. Sắp tới, khi tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên hoàn thành và đưa vào khai thác, ga trung tâm thương mại ngầm Bến Thành sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, không chỉ hành khách đi tàu mà còn thu hút du khách đến tham quan, mua sắm tại TP.HCM.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra hiện tại, đó là chi phí xây dựng, sự xung đột giữa không gian ngầm và mặt đất và vấn đề quyền sở hữu ngầm. Theo KTS. Trần Vĩnh Nam, chuyên gia về kiến trúc đô thị, TP.HCM, cần xem xét lại quy hoạch phía trên mặt đất nhằm tránh gây xung đột “trên – dưới”. Kế đến, do chi phí xây không gian ngầm cao gấp 10 – 20 lần so với việc xây dựng một công trình mặt đất nên cũng cần đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư. Về quyền sở hữu, nếu hiện chưa có quy định cụ thể về chủ sở hữu dưới lòng đất (theo Luật Đất đai) thì có thể ngầm hiểu phần diện tích đó thuộc quản lý của Nhà nước.
Theo Nhịp sống kinh tế