Các địa phương liên quan đến dự án đường Vành đai 4 TP.HCM muốn khởi công sớm và đặt mục tiêu hoàn thành trước năm 2028…
Tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn Bến Cát – Bình Dương.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chi tiết tại Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011, theo đó có tổng chiều dài 197,6 km đi qua địa bàn các địa phương: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An.
PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Theo quyết định được phê duyệt, đường Vành đai 4 TP.HCM có vận tốc thiết kế 100 km/giờ, quy mô mặt cắt ngang 6 – 8 làn xe cao tốc, có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng.
Tuyến đường đi qua địa bàn của 12 huyện thuộc năm tỉnh, thành phố. Bao gồm: Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đi qua huyện Tân Thành; tỉnh Đồng Nai đi qua ba huyện Long Thành, Trảng Bom và Vĩnh Cửu; tỉnh Bình Dương đi qua hai huyện Tân Uyên và Bến Cát; TP.HCM đi qua hai huyện Củ Chi và Nhà Bè. Dự án có điểm đầu giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và điểm cuối tại cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngày 29/9/2021 đã có văn bản giao các địa phương liên quan làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án (thành phần) của đường Vành đai 4 TP.HCM.
Theo đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đoạn Phú Mỹ – Bàu Cạn, chiều dài khoảng 18 km. Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai triển khai dự án đoạn Bàu Cạn – cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên), chiều dài khoảng 45 km. Tỉnh Bình Dương triển khai đoạn cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài 49 km. TP.HCM triển khai thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn – kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 17 km. Đoạn kênh Thầy Cai – Hiệp Phước, bao gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP.HCM có chiều dài khoảng 71 km, do Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An chịu trách nhiệm triển khai thực hiện.
Mới đây, tại cuộc họp với các sở, ngành liên quan về tình hình đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM thông tin cho biết, qua trao đổi với các địa phương, đã cơ bản thống nhất triển khai đầu tư đường Vành đai 4 và dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2028.
Giai đoạn 1 của dự án thực hiện giải phóng mặt bằng theo đúng quy hoạch xây dựng 4 làn xe, tiêu chuẩn là đường cao tốc hạn chế, đáp ứng nhu cầu vận tải của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
CÁC ĐỊA PHƯƠNG RÁO RIẾT VÀO CUỘC
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sau khi thống nhất với các địa phương dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 11/5 đã phát đi văn bản yêu cầu các đơn vị chuẩn bị một số nội dung trong lĩnh vực môi trường để thực hiện dự án đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Uỷ ban nhân dân huyện Châu Đức thống kê sơ bộ ban đầu đối với các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi; giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Tổng công ty ư vấn Giao thông vận tải (TEDI) rà soát việc xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thực hiện dự án. Tỉnh này cũng yêu cầu các sở ngành liên quan rà soát quỹ đất hai bên đường dự án để lập phương án tổ chức bán đấu giá tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn.
Trước đó, vào trung tuần tháng 4, tỉnh Bình Dương đã quyết định thành lập sáu tổ chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn. Trong đó, Tổ chỉ đạo triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 4 do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh làm tổ trưởng.
Tại Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, dự án đường Vành đai 4 đoạn đi qua địa bàn hai tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai là cung đường đầu tuyến, có tính liên kết chặt chẽ với nhau trong lưu thông vận tải đường bộ, thuộc vùng kinh tế Đông Nam bộ sầm uất, có cảng biển và sân bay cùng nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mật độ cao. Người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, sau khi nghe các công ty tư vấn và ý kiến của các sở, ngành tỉnh đã thống nhất với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng lúc triển khai thi công đường Vành đai 4 TP.HCM.
Tại TP.HCM, dự án đoạn Bến Lức – Hiệp Phước đã được Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Bộ Giao thông vận tải. Mức đầu tư dự kiến khoảng 7.100 tỷ đồng. Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM nhấn mạnh: Việc đầu tư đường Vành đai 4 phải triển khai đồng bộ, hiệu quả. Sở giao thông vận tải các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau và họp định kỳ hàng quý để trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, nếu có.
Theo nhận định của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc sớm khép kín đường Vành đai 4 tạo sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, góp phần phát huy hiệu quả kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cảng Hiệp Phước, cảng Long An, cảng Phú Mỹ, cảng hàng không quốc tế Long Thành. Qua đó thúc đẩy và phát triển các dịch vụ logistics một cách hiệu quả.
Theo Nhịp sống kinh tế