Bộ Giao thông vận tải cho biết quy hoạch quốc gia không bao gồm sân bay chuyên dùng. Tuy nhiên, Bộ ủng hộ UBND tỉnh Đắk Nông bổ sung sân bay Nhân Cơ trong quy hoạch của tỉnh và kêu gọi nguồn lực để đầu tư với tính chất là sân bay chuyên dùng…
UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị đưa sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch sân bay lưỡng dụng (ảnh minh hoạ).
Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi UBND tỉnh Đắk Nông liên quan đến việc đưa sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch sân bay chuyên dùng quốc phòng kết hợp với dân sự.
Tại văn bản này, Bộ Giao thông vận tải cho biết, để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ tổ chức lập “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Hiện pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam quy định 3 khái niệm bao gồm: Cảng hàng không, sân bay, sân bay chuyên dùng, trong đó sân bay là một trong những công trình thiết yếu của cảng hàng không.
Khoản 2 Điều 56 Luật Hàng không dân dụng cũng quy định: “Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trừ sân bay chuyên dùng”.
Còn sân bay chuyên dùng theo luật hiện nay thuộc quân sự quản lý. Theo đó, Bộ Quốc phòng quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi thống nhất với Bộ Giao thông vận tải theo Khoản 6 Điều 49 Luật Hàng không dân dụng.
Như vậy, phạm vi, đối tượng nghiên cứu của Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không bao gồm sân bay chuyên dùng.
Được biết, sân bay chuyên dùng là khu vực được xác định trên mặt đất, dải mặt nước, công trình nhân tạo sử dụng cho máy bay, thủy phi cơ, trực thăng hoạt động để phục vụ mục đích khai thác hàng không chung hoặc mục đích vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi mà không phải vận chuyển công cộng.
Vì vậy, theo Bộ Giao thông vận tải, đối với sân bay Nhân Cơ, quy hoạch hệ thống cảng hàng không định hướng giao các địa phương chủ động quy hoạch vị trí các sân bay chuyên dùng trong quy hoạch của tỉnh, sau khi được Bộ Quốc phòng phê duyệt vị trí và chủ trì huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện.
Hiện tại 5 tỉnh Tây Nguyên có 3 sân bay dân dụng đang hoạt động, gồm sân bay Pleiku, sân bay Buôn Ma Thuột và sân bay Liên Khương, mỗi sân bay cách nhau khoảng 200km.
Theo Bộ Giao thông vận tải, khoảng cách trung bình từ Đắk Nông tới Cảng hàng không Buôn Ma Thuột chỉ khoảng 80 – 90 km.
Ngoài ra, tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) – Gia Nghĩa (Đắk Nông) và Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) cũng được quy hoạch với 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030, bảo đảm khả năng kết nối và đáp ứng nhu cầu vận tải của địa phương.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải nhận được Văn bản số 2802 ngày 27/5/2022 của UBND tỉnh Đắk Nông. Điều đáng nói, đây là lần thứ hai trong 18 tháng qua, Đắk Nông kiến nghị về vấn đề này.
Được biết, sân bay Nhân Cơ nằm tại xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’Lấp, cách thành phố Gia Nghĩa khoảng 20 km, hiện phục vụ quốc phòng.
Trong đó, tỉnh này đề nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm xem xét, đưa sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch sân bay lưỡng dụng (quốc phòng – dân sự), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để có cơ sở triển khai đầu tư theo quy định.
Tháng 3/2021, UBND tỉnh Đắk Nông cũng từng đề nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung quy hoạch cảng hàng không lưỡng dụng Nhân Cơ. Trước mắt, đầu tư mở rộng sân bay để phục cho mục đích quốc phòng và dân sự.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, địa phương là đầu mối kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, có 141 Km đường biên giới với Campuchia.
Tuy nhiên, tỉnh Đắk Nông hiện nay chỉ có duy nhất một phương thức vận tải là đường bộ, đường thủy không khai thác được, đường sắt và hàng không chưa được đầu tư xây dựng. Đây cũng là điểm nghẽn trong việc thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng của vùng.
Theo Nhịp sống kinh tế