Khi đầu tư vào dự án cảng biển quốc tế Trần Đề, nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo…
Dự án cảng biển nước sâu Trần Đề từng lọt vào Mắt xanh” của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương triển khai thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm mời gọi đầu tư vào dự án cảng biển nước sâu quốc tế Trần Đề bằng hình thức xã hội hóa, sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án quan trọng này.
CẢNG CỬA NGÕ KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Ngày 22/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt Tổng thể phát triển Hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cảng biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) được định hướng đầu tư trở thành cảng nước sâu cửa ngõ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển theo Quyết định 1579 đã bổ sung, quy hoạch cảng quốc tế Trần Đề có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, container lên đến 100.000 tấn, tàu hàng rời đến 160.000 tấn.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư vào khu cảng Trần Đề. Cùng với Quyết định 1579/QĐ-TTg là các cơ sở pháp lý khác, như Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 01/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành danh mục kêu gọi đầu tư quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025, và Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng, mục tiêu của Dự án Xây dựng cảng biển Sóc Trăng (khu bến Trần Đề) là đầu tư xây dựng cảng biển, khu bến cầu cảng và hệ thống kho bãi, dịch vụ logistics phục vụ cảng biển. Tổng diện tích khu vực dự án là 4.550 ha, bao gồm đất bãi bồi, đất rừng phòng hộ…
Cửa Trần Đề là một trong chín cửa của sông Cửu Long đổ ra Biển Đông, là các cửa: Tiểu, Đại, Hàm Luông, Ba Lai, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Ba Thắc và Trần Đề. Địa điểm thực hiện dự án thuộc địa bàn huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu với vị trí địa lý: Bắc giáp rạch Bãi Giá, nam giáp cửa sông Mỹ Thanh, đông giáp đường Nam Sông Hậu tức quốc lộ 91B, tây giáp Biển Đông.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng, vị trí xây dựng dự án có thể giúp kết nối nhanh chóng tới các vùng lân cận trong và ngoài Sóc Trăng thông qua các tuyến đường: Quốc lộ 91B, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, tuyến đường ven biển, tuyến Bắc – Nam…
Tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương đẩy mạnh triển khai các thủ tục cần thiết nhằm mời gọi đầu tư bằng hình thức xã hội hóa. Cụ thể, khi đầu tư vào dự án, nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê; miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định.
Nhà đầu tư cũng được miễn thuế trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất, đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất.
NHIỀU NHÀ ĐẦU TƯ “DÒM NGÓ” CẢNG TRẦN ĐỀ
Đầu tháng 01/2022, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng về các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là dự án cảng biển Trần Đề.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, cảng biển Trần Đề được quy hoạch có quy mô tầm cỡ quốc tế, tạo đột phá không chỉ cho tỉnh Sóc Trăng mà cho cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, quá trình lập quy hoạch cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ và đảm bảo tính khả thi cao.
Báo cáo tại buổi làm việc này, Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng công trình hàng hải (CBM), đơn vị tư vấn dự án, cho biết, cảng biển Trần Đề dự kiến có diện tích khu cảng khoảng 550 ha, với cầu cảng vượt biển dài 16 km. Ngoài ra, còn có khu dịch vụ logistics, hậu cần cảng với diện tích khoảng 4.000 ha, các khu công nghiệp sau cảng tại cửa Mỹ Thanh 4.000 ha…
Các đơn vị chuyên môn đã có nhiều ý kiến đóng góp đối với đơn vị tư vấn trong quá trình lập quy hoạch dự án cảng biển Trần Đề. Trong đó, có ý kiến cho rằng độ cao tĩnh không cầu Đại Ngãi tại luồng Trần Đề kết nối trực tiếp với cảng hiện được thiết kế khá thấp. Cụ thể, độ cao tĩnh không cầu Đại Ngãi trên luồng này khoảng 11 m, chỉ bảo đảm cho tàu từ 3.000 tấn trở lại đi qua, trong khi hàng hoá chủ yếu được vận chuyển trên luồng Trần Đề.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng cho biết, theo dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước vào cuối năm 2022.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2021, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho biết Công ty TNHH MTV Millennium Energy Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Dầu khí Millennium, Mỹ) đã đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho phép được nghiên cứu, đầu tư dự án điện khí 9.600 MW với vốn đầu tư khoảng 15 tỷ USD. Cùng với một dự án điện khí có thể xuất hiện trong tương lai này thì sự cần thiết của một dự án cảng nước sâu đã được nhắc đến khi cần vận chuyển LNG. Đó là cảng Trần Đề.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho biết, bến cảng Trần Đề được định hướng quy hoạch nằm tại trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, kết nối đường thủy nội địa, đường bộ với các quốc lộ 60, quốc lộ 1, quốc lộ Nam Sông Hậu, thuận lợi đến các cảng và đầu mối logistics của vùng.
Dù từng trải qua nhiều “lận đận” trong suốt thời gian dài về tính khả thi hay bất khả thi của dự án, cũng như nhiều ý kiến phản biện của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực, dự án cảng Trần Đề được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa và là cửa ngõ quốc tế phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của toàn vùng.
Theo Nhịp sống kinh tế