“Xuống tiền vào bất động sản lúc này, rủi ro chôn vốn rất lớn vì giá đang tăng quá cao. Hãy chờ đợi, vì chắc chắn giá bất động sản sẽ hạ!”
Đó là một trong những chia sẻ của anh Thành (Nam Từ Liêm, Hà Nội), hiện đang là chuyên viên nghiên cứu tại viện khoa học. Dự tính mua một lô đất để dành cách đây 2 năm nhưng đến hiện tại, kế hoạch của anh Thành vẫn chỉ nằm trên giấy. Mỗi lần anh dự tính mua đều gặp phải điểm vướng nhất là về giá.
Một lô đất tại Hải Dương, anh Thành được giới thiệu với giá 2,5 tỷ đồng. Lô đất vuông vắn, đẹp, nằm vị trí thuận lợi giao thông. Nhưng nếu xét về giá, thì lô đất này từng tăng gấp 1,5 lần chỉ trong vòng 3 tháng. Đó là lý do anh Thành chần chừ không xuống tiền vì lô đất tăng quá nhanh. Bẵng đi 5 tháng sau, những lô đất xung quanh khu vực này cũng tiếp tục tăng. Anh Thành cho rằng: “Đất tăng vì do môi giới thổi, chứ thực tế không thể quá cao như vậy”.
Đến đầu năm 2022, anh Thành dự tính bỏ tiền vào một lô đất Sóc Sơn. Xác định khu vực sẽ xuống tiền, anh Thành dành 1 tháng để khảo sát giá đất. Nhưng, điều khiến anh quyết định không mua là đất ở dọc trục đường Vành đai 4 đều tăng tới gấp 2, 3 lần.
“Nếu xuống tiền vào lúc đất đã tăng quá cao thì khả năng chôn vốn rất lớn”, anh Thành nói. Đó là lý do mà nhà đầu tư này lựa chọn: Ngồi chờ đợi giá đất sẽ giảm.
“Tôi dự tính khoảng cuối năm 2022, đến năm 2023, giá đất sẽ giảm. Nhiều nhà đầu tư cắt lỗ thì việc cuả mình khi đó chỉ là tìm kiếm lô đất đẹp”, anh Thành chia sẻ.
Tương tự như anh Thành, chị Huyền Thương (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng trong tâm thế để dành tiền và chờ đất hạ giá. Chị Thương còn cho biết: “Tôi mong giá bất động sản lao dốc như hồi cách đây 8-10 năm. Thời đó, đúng là chỉ có cần tiền nhiều có thể ôm được nhiều đất. Còn giờ xuống tiền thì chắc chắn lỗ. Đi đâu cũng thấy giá đất đắt đỏ. Tôi nghĩ, sẽ có nhiều nhà đầu tư “tay to” ôm đất, vay ngân hàng. Nếu họ không chịu được nhiệt thì chắc chắn sẽ buộc phải bán cắt lỗ, thu tiền về. Lúc đó sẽ là cơ hội cho người có tiền sẵn như chúng tôi”.
Nhận định về giá bất động sản hiện tại, các chuyên gia cho rằng, giá đang ở ngưỡng cao, chạm đỉnh. Và trong thời gian tới, giá bất động sản buộc phải hạ dần vì theo quy luật cung – cầu.
Thực tế giá bất động sản tăng cao nên tính thanh khoản giảm mạnh. Lực cầu thấp. Khi giá bất động sản neo giữ không hạ nhiệt trong khi người mua không có, thị trường sẽ dẫn tới tình trạng cung lớn hơn cầu.
Đối với những nhà đầu tư không có tiềm lực tài chính mạnh, sử dụng đòn bẩy, ở trường hợp không thể thanh toán được khoản nợ lãi hàng tháng, họ buộc phải cắt lỗ. Hiện tượng này sẽ lan rộng nếu như nhiều nhà đầu tư rơi vào tình cảnh chung. Thị trường sẽ có thể xuất hiện tình trạng hạ nhiệt về giá hàng loạt trên các phân khúc, nhất là phân khúc từng tăng quá nóng.
Như ông Trần Khánh Quang, một chuyên gia bất động sản nhận định, trong vòng 3-6 tháng tới, thị trường bất động sản đối mặt với 70% là thách thức. Dự tính đến năm 2023, giá sẽ giảm nhiệt.
Theo ông Quang, từ giờ đến cuối năm, cần lưu ý ranh giới giữa đỉnh bất động sản và bong bóng bất động sản. Dù các chính sách tín dụng cho bất động sản đã siết lại nhưng giá bất động sản leo thang theo dòng tiền đầu tư có nghĩa là bong bóng sẽ hình thành ngay sau đỉnh. Nhà đầu tư cần tỉnh táo để điều tiết nhịp độ đầu tư của mình để có được vùng an toàn.
Trong khi đó, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam chỉ ra 3 vấn đề mà thị trường sẽ phải đối mặt: nguồn cung ít, giá bán vẫn duy trì mức cao, tính thanh khoản chậm.
Vị chuyên gia này chỉ ra rằng, nguyên nhân thị trường kém thanh khoản bởi vì quỹ đất không còn phát triển dự án mới, các dự án bị ác tắc do pháp lý, thứ ba là nhà đầu tư đẩy lợi nhuận kì vọng lên quá cao.
Mặt khác theo ông Khương, về việc giá bán thị trường sơ cấp rất cao, nhưng thanh khoản ở thị trường thứ cấp chậm lại bởi các nhóm khách hàng mua để đầu tư luôn kỳ vọng biên độ lợi nhuận cao hơn các thời điểm trước. Sau khi đã giữ bất động sản trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, việc đẩy giá thứ cấp trong thời gian tới là có nhưng tính thanh khoản lại rất thấp. Đây là điểm nghịch lý của thị trường lúc này.
Theo Nhịp sống kinh tế