Warning: mysqli_real_connect(): Headers and client library minor version mismatch. Headers:100508 Library:30122 in /home/nhpga8l3/public_html/wp-includes/wp-db.php on line 1653
Đại biểu Quốc hội: “Nông dân được gì khi giá phân bón tăng 250% còn giá nông sản bền vững theo thời gian”? | PHÚC GIA AN GROUP

Đại biểu Quốc hội: “Nông dân được gì khi giá phân bón tăng 250% còn giá nông sản bền vững theo thời gian”?

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, QH khóa XV, chiều 1/6 các đại biểu thảo luận tại hội trường về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, trong đó nhiều ý kiến tiếp tục đề cập đến gánh nặng của nông dân khi giá phân bón, vật tư liên tục tăng cao

Giá phân bón tăng 250%

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) bày tỏ sự đồng tình và trân trọng những thành quả về kinh tế-xã hội đạt được trong thời gian qua.

Đại biểu nhận định, tuy tốc độ tăng trưởng chưa đạt được mục tiêu đề ra nhưng nếu đặt trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn là một trong những điểm sáng của nền kinh tế thế giới.

Có được thành quả trên là do sự nỗ lực của Chính phủ, của chính quyền địa phương, của nhân dân và của cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước.

Đại biểu Quốc hội: “Nông dân được gì khi giá phân bón tăng 250% còn giá nông sản bền vững theo thời gian”? - Ảnh 1.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao rất tâm tư khi nông dân là người sản xuất ra lương thực nhưng lại có nguy cơ lâm vào cảnh đói do nghèo. Ảnh: QH

“Thế nhưng tôi vẫn băn khoăn, lo lắng khi 5/12 chỉ tiêu chưa đạt, đây đều là những chỉ tiêu quyết định sự phát triển lâu bền của nền kinh tế Việt Nam. Tôi đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính: tiềm năng của đất nước ta còn nhiều và sức sản xuất của chúng ta đang trỗi dậy, nhưng tôi cho rằng sức sản xuất trỗi dậy không đủ mạnh mẽ để đưa nền kinh tế Việt Nam vươn khơi, vượt qua những tổn thất nặng nề mà đại dịch Covid-19 đã để lại nếu chúng ta không nhanh chóng tháo gỡ những rào cản” – Đại biểu Quỳnh Dao chia sẻ.

Theo đó, đại biểu Châu Quỳnh Dao bày tỏ tâm tư khi nông dân miền Tây Nam Bộ nói riêng và nông dân nói chung khi nông nghiệp được coi là trụ đỡ, là điểm sáng của nền kinh tế. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nông nghiệp vẫn đạt được những thành tích bất ngờ và đáng tự hào nhưng nông dân vẫn gặp muôn vàn gian khó, và đặc biệt vẫn đang oằn mình trong bão giá.

“Giá thuốc thú y, giá thức ăn chăn nuôi, giá thuốc bảo vệ thực vật và nhất là giá phân bón đã tăng liên tiếp 4 lần, có loại tăng tới 250%, đạt mức cao nhất trong vòng 50 năm trở lại đây (thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NNPTNT). Trong khi đó giá nông sản thì ổn định vững bền theo thời gian, như vậy thử hỏi nông dân còn được gì?”.

Theo thống kê, khảo sát hiện tại thì giá thành sản xuất của chúng ta đã tăng tới 40%/ha so với 2 năm trước đây. Điều đó nói lên rằng nếu chúng ta không quan tâm, không khắc phục sớm sẽ dẫn đến nghịch lý chính những người sản xuất ra lương thực để nuôi sống xã hội, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia lại lâm vào cảnh đói nghèo.

Đại biểu Quốc hội: “Nông dân được gì khi giá phân bón tăng 250% còn giá nông sản bền vững theo thời gian”? - Ảnh 2.

Giá phân bón thời gian qua đã tăng liên tiếp 4 lần, đạt mức cao nhất trong vòng 50 năm qua khiến nông dân kiệt quệ vì sản xuất thua lỗ. Ảnh: Hương Anh

Quy định giá phân bón là mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng

Để người nông dân không bị kiệt quệ sản xuất ngày một thua lỗ, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chính phủ một số ý như sau:

Thứ nhất, tôi tán thành giải pháp thứ tư liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đó là cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; đặc biệt sớm ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu chính ngạch…

Thứ hai, kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật số 71 – QH khóa XIII năm 2014, trong đó có quy định giá phân bón là mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Tôi đề nghị phân bón được chịu thuế giá trị gia tăng để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, ví dụ về khoa học công nghệ để giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, có lợi cho người dân.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung trong nước, góp phần giảm giá thành.

Đại biểu Quỳnh Dao cũng khẳng định những vấn đề vừa đề cập không mới, nhưng vẫn mong Chính phủ giải quyết rốt ráo, dứt điểm, triệt để. Và trong lúc chờ những quyết sách mới của Chính phủ thì người nông dân cũng cần thay đổi tư duy sản xuất, đừng quá lệ thuộc và lạm dụng vào phân vô cơ.

Phải hướng tới suy nghĩ về nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, an toàn cho môi trường. Đại biểu Quỳnh Dao cũng đề nghị Bộ NNPTNT, Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng tái phụ phẩm trong nông nghiệp để tiết kiệm chi phí và hướng tới nền nông nghiệp thực sự bền vững.

Theo Danviet

02485899999