UBND thành phố Hà Nội cho biết, liên quan đến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, nhiều nhà đầu tư rất tiềm năng đã đề xuất mong muốn được tham gia thực hiện dự án.
Nhiều “ông lớn” bất động sản đề xuất làm đường
Mới đây, Quốc hội đã có phiên thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội. dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8 km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long) qua địa phận Hà Nội (dài 58,2 km), Hưng Yên (dài 19,3 km), Bắc Ninh (dài 25,6 km và tuyến nối 9,7 km).
Do đặc thù tổng vốn lớn, Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư phương thức PPP, nhằm huy động nguồn vốn tư nhân.
Dự án được chia thành 7 dự án thành riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) với dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội khoảng 85.813 tỷ đồng, trong đó, bao gồm ngân sách nhà nước 28.173 tỷ đồng; ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng; vốn BOT 29.447 tỷ đồng
Trong báo cáo gửi Quốc hội, UBND thành phố Hà Nội cho biết, đã nhận được đề xuất của các Nhà đầu tư rất tiềm năng mong muốn được tham gia thực hiện dự án như: Tập đoàn Vingroup – CTCP (nhà đầu tư đề xuất dự án); Tập đoàn T&T; Tập đoàn Him Lam; Công ty cổ phần DIC…
Báo cáo nêu rõ, các nhà đầu tư đều có cam kết mạnh mẽ đối với việc huy động vốn nhà đầu tư trên thị trường và khẳng định tính khả thi của dự án nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội nêu dẫn chứng về điều kiện của doanh nghiệp đề xuất tham gia là Tập đoàn Vingroup – CTCP. Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Vingroup – CTCP đã được kiểm toán đến thời điểm ngày 30/6/2021, Tập đoàn có vốn chủ sở hữu: 80.136 tỷ đồng, nợ dài hạn: 65.663 tỷ đồng, tài sản dài hạn: 123.310 tỷ đồng. Khả năng cân đối nguồn vốn dài hạn để đầu tư của tập đoàn đến 30/6/2021 là 22.489 tỷ đồng lớn hơn mức vốn góp của nhà đầu tư 4.417 tỷ đồng. Như vậy khả năng huy động vốn của doanh nghiệp dự án được bảo đảm.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, việc đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư sẽ được tiếp tục đánh giá cụ thể tại bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Về tiến độ triển khai, do dự án có một phần xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác tác công tư, loại hợp đồng BOT nên tiến độ thực hiện triển khai của nhà đầu tư có thể rút ngắn, không phụ thuộc vào phần thực hiện của vốn ngân sách nhà nước. Theo đó, nhà đầu tư có thể chủ động triển khai hoàn thành sớm hơn (từ 2024-2026) so với phần đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và chủ động tiến độ giải ngân. Đối với phần vốn ngân sách bố trí thực hiện một số hạng mục hoàn thiện trong đầu năm 2027 và phần lãi vay thời gian này được tính toán trong giai đoạn giai đoạn vận hành.
Các khu đô thị dọc Vành đai 4 sẽ hưởng lợi
Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô được thiết kế với phần lõi cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định. Thiết kế này nhằm mục đích việc đầu tư xây dựng đường song hành phải song hành với chức năng thu gom, dẫn phương tiện lên đường cao tốc, vừa phục vụ phát triển không gian đô thị, khu công nghiệp, khai thác quỹ đất hai bên đường.
Như vậy, trong tương lai, các đô thị dọc tuyến sẽ thực hiện xây dựng vỉa hè, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để khớp nối với các đô thị dọc tuyến theo vào quy hoạch tỉnh được duyệt. Các đô thị sẽ thu hút các nhà đầu tư, phát huy hiệu quả quỹ đất hai bên tuyến, góp phần tạo nguồn lực đầu tư.
Liên quan đến những khu đô thị nằm dọc đường Vành đai 4 được hưởng lợi, đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau cho hay, khi có đường cao tốc sẽ có các dự án đô thị, khu công nghiệp, thậm chí cho thuê mặt bằng “ăn theo” nên cần tính toán, quy hoạch nhanh.
Đại biểu đề nghị phê duyệt dự án song song với nhiệm vụ quy hoạch của Chính phủ, xác định đầu tư của Nhà nước không chỉ dẫn đường mà còn tạo ra chênh lệch.
Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị rằng, Chính phủ cần triển khai ngay, vì nếu không, sau khi dự án hoàn thành hoặc bắt đầu khởi động mới lập các dự án thì việc thu hồi đất, xác định giá đất rất phức tạp.
Theo đại biểu này, trên thực tế, các đại gia bất động sản bắt đầu hái tiền từ dự án hoàn thành hoặc thậm chí chậm hơn, khi dự án bắt đầu hoạt động có hiệu quả, mật độ giao thông lớn hơn, các đại gia bất động sản mới nhảy vào, làm bổ sung quy hoạch khu dân cư, khu công nghiệp hay cho thuê mặt bằng. Khi đó, người thiệt hại không chỉ là dân mà còn là Nhà nước. Do đó, cần đi trước, lập song song không chỉ giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế – xã hội mà còn có nguồn để thu hồi nhanh, không chỉ là cho thuê, bán thuế, thu phí…
Cũng theo đại biểu đoàn Cà Mau, nếu các dự án giao thông xây dựng đồng thời quy hoạch dự án khác thì nguồn tiền thu được từ sử dụng đất, địa tô chênh lệch là không ít, thậm chí có khi còn thừa tiền để làm đường, đặc biệt là các dự án đường đô thị.
Theo Cafef